Tổng hợp 6 loại cây bóng mát có hoa cực đẹp

Cây bóng mát không chỉ cho bóng mát mà còn tạo cảnh quan cho không gian xung quanh. Mời các bạn tham khảo các loại cây bóng mát đẹp do chúng tôi tổng hợp

Một thành phố dù hiện đại nhưng có quá ít cây xanh, công viên cây xanh, vườn hoa đi dạo, … bị xem là thành phố bê tông, không tạo nên được không gian văn hóa, không có hồn, và thiếu sức sống. Gần đây, không gian xanh đã trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị. Trong thời kỳ tác động của biến đổi khí hậu càng cao thì việc xây dựng thành phố xanh, với mảng cây xanh đô thị lại càng có ý nghĩa nhiều hơn. Một buổi trưa hè oi ả, bỗng nhiên “lạc” vào con đường Nguyễn Du, Thanh niên, Tạ Quang Bửu trên phố hà nội, người ta có thể quên đi hết tất cả những bụi bặm, ngột ngạt của xe cộ, của nắng nóng ngoài kia, để bình yên tận hưởng những bóng râm êm đềm, mùi thơm êm diệu do những hàng cây Lim Sẹt, ban trắng, hoa sữa cổ thụ mang lại.

Giahuygarden xin giới thiệu đến quý độc giả một vài loài cây xanh vừa cung cấp bóng mát vừa trổ hoa đẹp tạo nên những con đường cây xanh nhập sắc.

 

1. Cây Phượng Vĩ

 

cây phượng vĩ

 

Phượng Vĩ có thật nhiều tên, từ tên khoa học Delonix regia, thuộc gia đình Caesalpiniaceaẹ, Họ poincianas có cùng một họ với đậu (Leguminosae), giống Delonix. Nguyên giống phát xuất từ Madagascar, phượng vĩ đã được đi du lịch đến khắp mọi miền nhiệt đới trên thế giới, nhất là đông nam Á và châu Mỹ Latin. Cũng vì vậy, phượng vĩ đã có thật nhiều tên gọi thông thường theo từng ngôn ngữ, ví dụ như: royal poinciana, flame tree, flambouyant, flame of the forest, ‘ohai-‘ulăHawaiian), Semarak Api(Malay), Flameadors(Tây Ban Nha) hoặc Phượng Vĩ, v.v. Có lẽ vì màu sắc rực rỡ – đỏ rực nổi bật trên nền trời, nên phượng vĩ được so sánh như những ngọn lửa giữa rừng chăng? Chỉ biết rằng, màu đỏ thắm của phượng vĩ đã được thổ dân vùng Madagascar cho vào hạng hoàng tộc của thảo mộc, cũng như nó được công nhận là hoa biểu tượng cho xứ Puerto Rico.

 

Thuộc vào loại thân mộc, cây phượng vĩ cao khoảng 6-12 mét, với tàn lá xoè rộng như chiếc dù lớn, với những cành dài khoảng 20-40cm, dày đặc những lá kép nhỏ li ti. Hoa phượng đỏ thẫm, đường kính khoảng 6-10cm mỗi hoa, với năm cánh hoa xoè rộng. Cánh hoa đỏ thẫm với những đốm đậm li ti trên cánh, và một trong năm cánh hoa mầu vàng cam, với những đốm đỏ thẫm, hơi quăn góc, và thô hơn những cánh còn lại. Bên trong nhụy hoa là tập hợp của mười nhánh, dài khoảng 10cm, với phấn hoa thu hút ong bướm. Sau khi hoa tàn, từ đài hoa mọc ra trái phượng, dẹp và dài khoảng 2 feet, khi chín đen thẫm và vỏ cứng, với hạt phượng mầu nâu thẫm bên trong. Trái phượng có thể được dùng làm củi đốt. Ở những miền quê Việt nam, đôi lúc hạt phượng được đem rang trong cát để ăn vì có nhiều dầu, vị bùi bùi thơm thơm.

Thông thường vào mùa hạ ở những vùng nhiệt đới hay có giông bão, thế mà phượng vĩ lại rất kiên cường, và rất đáng ngạc nhiên rằng sau những cơn mưa bão đó, cây vẫn không bị đốn, và hoàn toàn không sao cả. Chỉ có những cành cây dòn sẽ gẫy, để cho cả lùm cây phượng không bị đốn vì gió. Có thể vì thế mà cây phượng tồn tại được dưới trời bão!

 

Vì cái đẹp của phượng vĩ, và vì sự bền bỉ của cây phượng qua bao nhiêu năm tháng, dù trụi cành giữa mùa đông nhưng xanh tươi trong những tháng ngày còn lại trong năm, và vì tán lá xanh um mở rộng như chiếc dù che nắng mưa, phượng vĩ có lẽ vì thế được ưa chuộng trong những khuôn viên học đường. Cũng có lẽ vì vậy mà phượng vĩ thường hay được trồng trong những công viên, dọc theo hai bên đường phố hầu tạo được bóng mát trên đường, và làm cảnh đẹp mỗi muà phượng nở. Có lẽ vì vẻ đẹp của hoa phượng khá rực rỡ, lại rất lạc quan, nên mỗi năm vào tháng sáu, miền nam Florida
thường tổ chức hội hoa Phượng Vĩ (Royal Poinciana Fiesta) để cùng thưởng hoa, như người Nhật thường có hội hoa Sakura. Chỉ biết, hàng năm, tại quê nhà, mỗi mùa phượng vỹ nở rộ, là mỗi người trong chúng ta lại nao nao nhớ về một mùa phượng vĩ riêng của chính mình.

 

Cũng có lẽ vì vẻ đẹp của phượng vĩ mà biết bao người, từ Âu đến Á, đã viết biết bao nhiêu câu chuyện, làm biết bao nhiêu bài thơ, hoa bao bức tranh, và nhất là phối âm bao nhiêu bản nhạc riêng cho phượng vĩ, ví dụ như bản “Poinciana”, và có phải vì thế, bao tâm hồn thi sĩ bắt đầu biết nhớ, và biết mong “Sớm Nở Phượng Yêu”.

 

2. Cây Bò Cạp Vàng

 

muồng hoàng yến

 

Tên phổ thông: Bò cạp vàng hay còn gọi Muồng Hoàng yến, Lồng đèn, Hoàng hậu (hạ), Mai dây, Cây xuân muộn, Mai nở muộn. Tên khoa học: Cassia fistula L thuộc Họ: Caesalpinioideae (Vang). Cây cao trung bình từ 10-20 mét. Cây muồng hoàng yến có nguồn gốc: từ miền Nam Pakistan kéo dài về phía Đông qua Ấn Độ tới Đông Nam Á và về phía Nam tới Sri Lanka Là cây gỗ nhỡ, bán thường xanh hay rụng lá. Thân có lớp vỏ ngoài màu xám trắng, thịt gỗ bên trong có màu
hồng dày 6-8cm, thường được sử dụng làm thuốc nhuộm màu đỏ. Ngoài ra, do gỗ khá cứng nên còn được sử dụng trong xây dựng nhà cửa, đóng đồ gỗ…. Cành nhẵn, lá kép lông chim chẵn, mọc cách nhau, dài 15-60cm với 3-8 cặp lá chét. Lá chét mọc đối, có hình bầu dục, nhọn ở đỉnh, lá mềm, rộng và nhẵn, có màu xanh non, càng già càng chuyển sang màu xanh sậm. Chùm hoa lớn, màu vàng hay rủ xuống, cuống chung nhẵn và dài 20-40cm. Hoa tựa như hoa cây mai vàng, cánh hình bầu dục có phủ lớp lông mịn ở mặt ngoài. Mỗi hoa có đường kính 4 -7cm với 5 cánh vàng tươi. Nhị 10, bao phấn phủ lông tơ ngắn. Bầu và vòi nhụy phủ lông tơ mượt. Quả đậu hình trụ, có ngấn hằng phía trên như chia đốt, dài 20-60cm, đường kính quả khoảng 10-25cm, mang nhiều hạt hình trái xoan rộng, khi khô có vỏ cứng, thoạt nhìn bạn có thể hiểu nhầm đây là trái ô môi. Quả có mùi hôi khó chịu. Cây bò cạp vàng thường ra hoa vào tháng 5-6. Khi ra hoa, hầu hết lá đều rụng, trên cành chỉ còn lại hoa vàng sặc sỡ trông rất đẹp mắt. Ngoài ra, cây còn có thể xử lý ra hoa vào ngày tết giống như hoa mai bằng cách cắt nước tưới cây trong vòng 15 ngày cho cây bắt đầu héo hết lá, lảy hết lá còn lại, bón phân NPK và Kali thúc đầy quá trình ra hoa, trong vòng 20 ngày sau cây sẽ nhú ra nụ hoa và khoảng 20 ngày sau là hoa sẽ nở rộ ( quá trình này thực hiện 60 ngày trước tết).

 

Cây là cây ưa sáng, phát triển tốt ở khu vực nhiệt đới. Muồng hoàng yến phát triển tốt tại khu vực nhiều nắng và thoát nước tốt, không thích hợp với điều kiện khí hậu khô cằn hay giá lạnh; mặc dù nó chịu được hạn và mặn. Cây được xem là quốc hoa của Thái lan, ở Thái cây có tên gọi là dok khuen, hoa vàng tượng trưng cho hoàng gia Thái. Cây còn có nhiều công dụng trong y học: Quả của cây có thể chữa được bệnh rối loạn đường ruột ở trẻ em rét run do say thuốc, rễ cây thì chữa được bệnh cảm lạnh và giúp hạ sốt, lá cây vò nát thoa lên da trực tiếp, chữa được các bệnh ngoài da, bệnh phù thũng, đau khớp, liệt nhẹ…Ngoài ra, cây còn chữa được các bệnh khác như các dạng xuất huyết hoặc chảy máu, các rối loạn tim mạch, các bệnh thần kinh và chứng thừa axit trong dạ dày.

 

3. Cây Lim xẹt

 

lim xẹt

 

Lim xẹt còn gọi là lim sét, muồng kim phượng, phượng vàng; tên thông dụng trong tiếng Anh là:Yellow Flamboyant, Copperpod. Trung mộc cao 20-25m, thân màu xám trắng, phân cành thấp. Lá kép lông chim hai lần, cành non và lá non có lông màu rỉ sét, lá có cuống chung dài: 25–30 cm mang 4-10 đôi lá cấp 1, mỗi lá cấp 1 mang 10-22 đôi lá chét, lá nhỏ thuôn đầu tròn. Hoa chùm tụ tán ở đầu cành có lông màu hoe đỏ như nhung dài 20–40 cm, hoa nhỏ 2 cm có năm cánh màu vàng, đáy có lông. Quả đậu, dẹt dài 10–12 cm có cánh.

 

Cây nguyên sản mọc ở các loại rừng thưa, hậu rừng sác. Tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở miền trung và Nam bộ: Từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Khánh Hoà. Miền nam cây mọc tự nhiên ở Bình Dương, Đồng Nai. Miền Bắc cũng có một loài cây tương tự là cây muồng bắc có thân đen, tán lá thưa hơn tên khoa học Peltophorum tonkinensis hoặc P. dasyrrachis) Là một trong những loài cây nhiệt đới điển hình, cây có biên độ sinh thái rất rộng, có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong nhiều điều kiện khác nhau: Vùng ven biển, trung du, miền núi. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất chua, chịu được nắng nóng, khô hạn. Đặc biệt cây có thể phát triển tốt trên vùng đất toàn cát ở ven biển. Cây ưa sáng tái sinh hạt và chồi đều mạnh.

 

4. Cây Bằng Lăng

 

cây bằng lăng

 

Cây Bằng lăng có nhiều ở Đông Nam Á, Ấn Độ và các vùng nhiệt đới khác. Thân cây Bằng lăng thẳng và khá nhẵn nhụi. Lá màu xanh lục, rụng theo mùa. Hoa cây Bằng lăng màu tím hoặc tím nhạt, mọc thành chùm dài từ 20 đến 40 cm, thường thấy vào giữa mùa hè. Mỗi bông hoa có 6 cánh, mỗi cánh dài chừng 2 đến 3,5 cm. Quả cây Bằng lăng lúc tươi màu tím nhạt pha xanh lục, mềm. Quả già có đường kính 1,5 đến 2 cm, khô trên cây.

 

Cây Bằng lăng là cây bóng mát và cho hoa đẹp nên được trồng làm cây cảnh quan. Ngoài loại bằng lăng có hoa tím – hồng nhạt còn có loại hoa màu đậm, lợt trắng, hồng, đỏ, tím,… và cuối thu nhiều giống cũng rụng lá vàng, lá đỏ như cây phong xứ lạnh. Vài giống bằng lăng lùn, lùm bụi, cũng được chọn làm cây kiểng, mùa hoa nở đầy chậu. Cây Bằng lăng là cây gỗ lớn cao đến 20m, phân cành cao, thẳng, tán dày, lá hình bầu dục hay hình giáo dài, cụm hoa hình tháp ở ngọn các cành, mọc thẳng, nụ hoa hình cầu, hoa lớn có 6 cánh, có móng ngắn, răng reo màu tím hồng. Cây Bằng lăng mọc khỏe, thân thẳng, tán cao, cây trồng chủ yếu bằng hạt, ươm gieo như các cây khác. Đối với một số nước Châu Á, dùng lá bằng lăng nước nấu uống như nước trà sẽ có công dụng chữa bệnh tiểu đường và đau bao tử. Ngoài ra trong lá còn có chất làm giảm nguy cơ béo phì.

5. Cây Osaka Đỏ

 

osaka đỏ

 

Cây osaka đỏ còn được gọi là cây muồng hoa đỏ, cây vông đồng, cây móng quỷ, cây hoàng hậu đỏ, cây đậu san hô đỏ, cây vông màu gà, cây hoa hồng môi có tên khoa học: Erythrina fusca, thuộc họ: Fabaceae. Có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới châu Á. Cây osaka đỏ là cây có thân gỗ lớn hay nhỏ. Cây có khả năng chịu hạn tốt nên có thể trồng ngoài trời làm cây bóng mát. Đặc điểm cây osaka đỏ: Cây gỗ trung bình, cao 10-20m, có gai ngắn, vỏ non màu xanh sau chuyển sang màu nâu dày, xốp. Cành nhỏ thẳng, khẳng khiu mang lá tập trung ở gần đỉnh. Lá có 3 lá phụ, lá phụ cuối
cùng lớn hơn cả, màu lục bóng, nhẵn, rụng vào mùa mưa. Cụm hoa dạng chùm dày mang nhiều hoa màu đỏ sát nhau. Hoa lớn có 1 cánh cờ dạng trái xoan thuôn rộng, cuộn lại. Quả dài 25cm màu đen, nhẵn, hạt hình thận, đỏ hay nâu. Cây osaka đỏ ra hoa quanh năm. Cây hoa osaka đỏ có tốc độ sinh trưởng nhanh. Cây ưa sáng. Cây osaka đỏ thích hợp trồng sân vườn , trồng lối đi, trồng vỉa hè cho bóng mát. Hoa osaka không chỉ đẹp mà còn là một vị thuốc quý, hạt được sử dụng trong dân gian để chữa bệnh ung thư, vỏ cây đắp cầm máu vết thương và chữa được sốt rét, bệnh gan, thấp khớp…

 

6. Cây Móng Bò Tím

 

móng bò tím

 

Một trong những loài cây trong hệ thống cây xanh đô thị, cây xanh công trình được nhiều người chú ý do có hình thái lá lạ mắt, lại vừa cho hoa đẹp, đó là cây móng bò. Do lá của loài cây phân làm 2 thùy, trông giống móng chân bò nên ai đó đã dùng cái tên tượng hình “cây móng bò” giúp chúng ta dễ nhận dạng. Với cách nhìn nhận này, cây móng bò cũng có tên tiếng Anh là Camel’s foot (bàn chân lạc đà).

 

Cây móng bò là tên rất chung, được dùng để chỉ nhiều loài thuộc chi Bauhinia , phân họ Vang (Caesalpinoideae), họ Đậu (Fabaceae). Chi này tập hợp cả 3 dạng sống: cây gỗ, cây bụi và cây leo với số lượng loài lớn, chỉ riêng ở Việt Nam thôi cũng đã có trên 40 loài. Ở Huế hiện có 2 loài dạng cây gỗ là móng bò tím, móng bò sọc; 1 loài cây bụi là móng bò trắng và 1 loài dây leo là móng bò hoa phựợng.

 

– Cây móng bò tím còn được gọi là móng bò đỏ hay cây hoàng hậu, tên khoa học là Bauhinia purpurea.

– Cây móng bò sọc còn được gọi là cây hoa ban, tên khoa học là Bauhinia variegata. Cả hai loài này đều có chung nhiều tên tiếng Anh là Purple bauhinia, Butterfly-tree, Orchid-tree, Camel’s foot tree…

Tìm hiểu thêm một số loại cây bóng mát có hoa đẹp khác ở đây

 

Tổng hợp từ Cây xanh Gia Huy

Để lại 1 bình luận giúp Gia Huy phục vụ Anh/Chị tốt hơn nhé!

avatar